Chia sẻ tài liệu, kiến thức Luật học

Hạnh phúc là cho đi những gì mình có.

Kiến thức, kinh nghiệp học Luật

Vì sự phát triển nền Tư pháp nước nhà .

Tổng số lượt xem trang

Hiển thị các bài đăng có nhãn luat-24-7. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn luat-24-7. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Hướng dẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất

Blog hoanglaw hướng dẫn các quy định liên quan vấn đề trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.


  1. Bị can, bị cáo có quyền đọc hồ sơ vụ án
  2. 7 lỗi thường gặp khi chấm dứt hợp đồng lao động
Về trợ cấp thất nghiệp, từ ngày 01/01/2015, chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ thực hiện theo quy định của Luật Việc làm 2013, thay cho quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2006.

Người lao động đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

"1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết".

1. Trợ cấp thất nghiệp

1.1 Mức trợ cấp thất nghiệp:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

1.2 Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

1.3 Thời điểm được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm.

1.4 Thời hạn, thủ tục nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chotrung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

- Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

c) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, song thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu bưu điện.

Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị hưởng BHTN (theo mẫu của Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định);

- Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc đã hết hạn hoặc quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.

- Sổ bảo hiểm xã hội.

- Chứng minh nhân dân;

- 02 tấm hình 3x4 (mở thẻ ATM);

Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

1.5 Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:

a) Tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng với Trung tâm dịch vụ việc làm.

b) Tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định


c) Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Tìm được việc làm;

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

- Hưởng lương hưu hằng tháng;

- Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;

- Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;

- Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

- Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật BHTN;

- Chết;

- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tòa án tuyên bố mất tích;


- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
Nguồn: thuvienphapluat

Bị can, bị cáo có quyền đọc hồ sơ vụ án?

Blog hoanglaw gửi tới bạn đọc quy định mới trong Dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự về quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo.


Theo Điều 42, Điều 43 Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) có quy định Quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án quy định bị can, bị cáo đọc có quyền ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, quyền tự bảo vệ đó thực chất là một phần quan trọng của quyền bào chữa, đây là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân khi đối diện với điều tra viên được đào tạo bài bản về thủ pháp điều tra, dày dạn nghiệp vụ thẩm vấn. Thực hiện quyền này còn giúp giảm tối đa oan sai.

“Tôi đồng tình cho những người tự bào chữa được đọc hồ sơ. Nhưng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo là cho đọc toàn bộ hồ sơ vì đối với người bào chữa là cần phải tiếp cận chứng cứ gỡ tội là điều quan trọng. Trong dự thảo mới nói là chỉ được đọc phần chứng cứ liên quan đến buộc tội, nếu như vậy thì lấy gì để bào chữa, lấy gì để tranh tụng. Vì vậy, tôi đề nghị cho người tự bào chữa được tiếp cận toàn bộ hồ sơ trong đó có cả chứng cứ gỡ tội và buộc tội.” bà góp ý.

ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng đồng tình với quy định này,  khi không có người bào chữa hoặc tự mình bào chữa thì bị can phải được quyền đọc, ghi chép và sao, chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra, để bảo đảm quyền tự bào chữa của họ.

Hơn nữa, để bào chữa cho mình, ngoài những thông tin liên quan trực tiếp đến mình, bị can có thể phải tìm hiểu những thông tin do những người tham gia tố tụng khác cung cấp. “Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ về cơ chế và những thủ tục chặt chẽ để bị can, bị cáo thực hiện quyền này hiệu quả và đảm bảo an toàn hồ sơ vụ án, không tạo ra khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng”, ĐB góp ý.

Nhận định đây là một quyền rất mới, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị nếu thực hiện quyền này, có 3 điều kiện đi kèm:. Một là bị can, bị cáo không có người bào chữa. Hai là chỉ thực hiện sau khi đã kết thúc điều tra. Ba là chỉ ghi chép và đọc những tài liệu cần thiết liên quan đến việc buộc tội chính bị can, bị cáo. Không phải là sao chép toàn bộ hồ sơ vụ án hoặc sao chép cả những tài liệu không liên quan đến mình, liên quan đến người khác.

Cuối cùng để bảo vệ sự an toàn tài liệu, hồ sơ thì tài liệu đó phải được photo đã số hóa và quản lý theo một trình tự nhất định để tránh quá trình đọc, nghiên cứu hoặc tiêu hủy. Tránh việc kéo dài, lợi dụng chế định này, để kéo dài thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu của bị can, bị cáo có khi tới vài ba tháng không hết những tài liệu liên quan đến họ, thậm chí có những bị can, bị cáo không biết chữ nữa thì cũng cần phải có quy định ngặt nghèo về vấn đề này", ông nói

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) bày tỏ:  Một trong những lo ngại của nhiều đại biểu là an toàn của hồ sơ khi áp dụng chế định này, nhất là đối với những trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam. “Tố tụng hình sự nước ta thuộc mô hình thẩm vấn, do vậy hồ sơ vụ án có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quá trình chứng minh tội phạm, đòi hỏi hồ sơ phải được bảo quản hết sức nghiêm ngặt, quá trình soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự Ban soạn thảo đã tính đến vấn đề này chưa và có những giải pháp để khắc phục những lo ngại này của đại biểu?”, bà nói.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy đề nghị cần đảm bảo sự liên thông giữa Luật Tố tụng hình sự và Luật  tạm giam, tạm giữa. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định quyền được đọc hồ sơ, Luật tạm giữ, tạm giam phải quy định cụ thể thời gian, địa điểm đọc và trách nhiệm của các cơ quan giam giữ trong việc bảo đảm quyền này của bị can.

Cho rằng việc bổ sung cho bị can, bị cáo quyền này cơ quan tố tụng sẽ mất nhiều thời gian hơn, tốn kém hơn, nhưng ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) khẳng định đây là quyền chính đáng của người bị buộc tội đã được Hiến pháp ghi nhận nên không thể lấy lý do vất vả, tốn kém để không bảo đảm. Theo ông, các điều kiện đọc hồ sơ vụ án như dự thảo quy định là rất phù hợp, vừa bảo đảm quyền bào chữa vừa không cản trở cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, cụ thể dự thảo quy định điều kiện đọc khi bị can, bị cáo không có luật sư và có yêu cầu đọc tài liệu, thời điểm đọc sau khi kết thúc điều tra vụ án, phạm vi đọc là những tài liệu liên quan đến việc buộc tội của họ.

Trên tinh thần ủng hộ cao độ, ĐB Dân Khiết (An Giang) đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội xem xét thêm cho trường hợp bị can, bị cáo không biết chữ hoặc đọc được, viết không được hoặc bị can, bị cáo phải nhờ phiên dịch thì nên có chế định để được người khác giúp, có thể đó là cán bộ quản giáo hoặc người bị giam cùng phòng. Với sự đồng ý của cơ quan điều tra và giám thị ở trại giam và để việc cất giữ đảm bảo an toàn cần có một quy định trật tự theo nội quy của trại tạm giam.

hoanglaw

Tòa án giải quyết vụ việc dân sự bằng tập quán?

Việc giải quyết vụ việc dân sự bằng tập quán khi không có điều luật áp dụng là cần thiết và đã được quy định trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi.


Tòa án giải quyết vụ việc bằng tập quán
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt  Nam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của tòa án.

Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ án và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do bộ luật này quy định.

Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại 4 điều của dự thảo bộ luật.
Nguyên tắc được nêu tại dự thảo là tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. 

Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ luật Dân sự.

Khi yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu tòa án xem xét áp dụng.


Tòa án giải quyết vụ việc bằng tập quán
Dự thảo bộ luật cũng quy định tòa án được áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của quan hệ dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định trực tiếp và không có tập quán được áp dụng theo quy định nói trên.

Điều kiện là khi áp dụng tương tự pháp luật, tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, phải xác định một cách chắc chắn rằng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó.

Khi không thể áp dụng tương tự pháp luật thì tòa án áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự, dự thảo bộ luật nêu rõ.

Án lệ được định nghĩa tại dự thảo là quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, trong đó chứa đựng sự giải thích, áp dụng pháp luật đã được Tòa án nhân dân Tối cao lựa chọn, công nhận và công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Còn lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.
Nguồn: vneconomy

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

7 lỗi thường gặp khi chấm dứt hợp đồng lao động

Blog hoanglaw  phân tích một số lỗi thường gặp của doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.


Thứ nhất, vi phạm thời gian báo trước

Doanh nghiệp chỉ được chấm dứt hợp đồng lao động khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp cần báo cho người lao động biết trước:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Trong trường hợp đơn phương chấm dứt HDLD, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Thứ hai, không lên phương án sử dụng lao động

Doanh nghiệp khi cho người lao động thôi việc vì thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế khiến cho nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng lao động. Nếu doanh nghiệp không có khả năng sử dụng tiếp lao động thì mới cho họ thôi việc.
Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, nếu người sử dụng lao động kế tiếp không sử dụng hết số lao động hiện có thì phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.

Thứ 3, áp dụng không đúng căn cứ chấm dứt hợp đồng

Trong trường hợp sát nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp: chỉ khi các hoạt động này được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp mới có nghĩa vụ thực hiện các công việc như nêu trên. Doanh nghiệp thường nhầm lẫn với trường hợp chia quyền quản lý giữa công ty mẹ và công ty con với chia tách doanh nghiệp: hợp nhất, sáp nhập các bộ phận trong công ty với hợp nhất, sát nhập doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng do người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, doanh nghiệp cần căn cứ vào mức độ không hoàn thành công việc trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy,... chứ không thể căn cứ vào kết quả lao động không đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp. Hay việc người lao đọng làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị 06 tháng liền, và người lao động làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn của hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các căn cứ pháp luật khi áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

Thứ 4, không có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở


Đối với quy trình, thủ tục mà luật yêu cầu phải có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có sự hiện diện của thành phần này. Hiện nay, các doanh nghiệp thường bỏ qua yếu tố này dẫn đến rủi ro pháp lý khi bị kiện ra tòa.

Thứ 5, thời hiệu xử lý kỷ luật

Tối đa 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm. Tối đa 12 tháng đối với trường hợp hành vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Một số trường hợp có thể kéo dài nhưng theo quy định của pháp luật.

Thứ 6, trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc

Doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động nếu họ đáp ứng điều kiện được nhận các khoản này, cụ thể: số tiền được hưởng, thời gian tính, tiền lương tính trợ cấp.

Thứ 7, người có thẩm quyền xử lý kỷ thuật sa thải


Người có thẩm quyền ký quyết định sa thải là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền của người này trong trường hợp người này đi vắng thì phải có văn bản ủy quyền

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Án lệ được áp dụng tại Việt Nam?

Blog hoanglaw giới thiệu án lệ là gì? Những lợi ích khi án lệ được áp dụng tại Việt Nam?


Án lệ còn được gọi là tiền lệ pháp, là một hình thức của pháp luật, theo đó nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của tòa án làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó.

Còn nói như Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, đó là việc tạo lập quy tắc, hoặc căn cứ pháp lý cho việc giải quyết các vụ án tương tự trong tương lai. Theo nhiều chuyên gia, áp dụng án lệ sẽ góp phần thống nhất hoạt động xét xử, thậm chí còn ngăn chặn “chạy án” hay án bỏ túi…

1. Áp dụng án lệ để chuẩn hóa công tác  xét xử


Áp dụng án lệ không phải cứ áp dụng một cách rập khuôn, máy mọc trong quá trình xét xử. Tức là không phải bắt buộc tuân theo toàn bộ nội dung của bản án được xem là án lệ đó mà chỉ là những nội dung chứa đựng những lập luận để giải thích về những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng.

Áp dụng nguyên tắc Án lệ sẽ giúp hệ thống tòa án giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải, chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. “Đặc biệt, trong bối cảnh những vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp, nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa thống nhất... thì việc áp dụng án lệ sẽ là phương thức hiệu quả để khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu trong các phán quyết.

Khi công bố án lệ sẽ thúc đẩy Kiểm sát viên, Luật sư tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, tăng cường viện dẫn án lệ. Bên cạnh đó, tại các án lệ đã có phân tích những thiếu sót trong xét xử. Từ đó, giúp các thẩm phán rút kinh nghiệm, nhất là án lệ liên quan đến những vụ án oan, sai.  Đồng thời, việc phát triển án lệ sẽ giúp nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của tòa án, đảm bảo xét xử đúng luật, thống nhất, ngăn chặn dấu hiệu chủ quan, duy ý chí.

2. Các Luật sư cho rằng áp dụng Án lệ sẽ hết cửa “chạy án”?


Có Luật sư cho rằng nếu án lệ được công khai áp dụng, người dân sẽ chủ động được kết quả xét xử, bằng việc tham khảo các phán quyết tương tự. Qua đó, nếu thấy bản án dành cho mình hoặc người thân quá nặng, có thể tính đến phương án kháng cáo. Ở phía cơ quan tố tụng, khi áp dụng án lệ có thể giúp họ đúc rút kinh nghiệm từ các bản án trước, qua đó kịp thời điều chỉnh, chỉnh sửa và hạn chế tối đa những tình huống sai lầm, khắc phục tình trạng án oan, sai.

Án lệ sẽ bổ trợ cho những thiếu hụt các văn bản hướng dẫn, áp dụng, đồng thời định hướng cho tòa án các cấp có cơ sở để viện dẫn khi xét xử. Viện dẫn án lệ chính là việc làm tăng tính thuyết phục cho mỗi phán quyết. Bên cạnh đó, án lệ giúp việc xét xử được minh bạch, hạn chế tối đa án bỏ túi, chạy án. Bởi lẽ, nếu xét xử không đúng luật, có sự can thiệp chủ quan từ cơ quan tòa án thì ngay sau đó, ở cấp xét xử cao hơn, những tiêu cực này dễ dàng bị lật tẩy, rồi sau đó chính là chuyện sửa, hủy án.

Một luật sư cho biết, chúng ta ủng hộ áp dụng án lệ, nhưng không có nghĩa, việc xét xử của toà án sẽ lệ thuộc vào đó, mà phải căn cứ vào các quy định cụ thể, các điều khoản cụ thể. Bởi lẽ, các hội thẩm, thẩm phán phải chịu trách nhiệm cá nhân cho mỗi phán quyết của mình. Không thể tuyên án trên cơ sở của một thẩm phán, hội thẩm khác.

3. Quy định Án lệ đã được Luật hóa



Theo ông Trương Hòa Bình, chủ trương án lệ đã được xác định tại Nghị quyết 48/2005 của Bộ Chính trị, với tên gọi “Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020”. Đồng thời, giao cho TAND Tối cao nhiệm vụ phát triển án lệ, được cụ thể tại Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị. Theo đó, TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Gần đây, tại Điều 22 của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 nêu rõ, hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có nhiệm vụ: Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các toà án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Theo: Tiền phong

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

2 yếu tố học tốt ngành Luật

Blog hoanglaw chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân và của những người đã trải qua Trường Luật về cách học Luật tốt nhất.

Phương pháp học Luật tốt

Tuy nhiên, những gì chia sẻ sau đây có thể phù hợp với người này nhưng lại phản tác dụng với người kia. Cho nên, tùy vào từng cá nhân sẽ chọn ra cho mình một cách học, cách nghiên cứu tốt nhất.

Đa số các bạn sinh viên học Luật đặc biệt là các bạn vừa bước chân vào Trường đều có quan niệm học Luật là phải học thuộc các điều Luật. Nhưng trớ trêu thay sinh viên ngành Luật có cả người học khối A, khối D. Cho dù bạn là dân khối C thì tôi cũng tin rằng bạn chẳng bao giờ “thích” học thuộc như một cái máy.

Ước tính hàng năm có hàng chục Luật mới được Quốc hội thông qua và sửa đổi, bổ sung; Chính phủ ban hành khoảng vài trăm Nghị định, chưa kể các văn bản do 22 Bộ và Cơ quan ngang bộ ban hành rồi các văn bản của 63 tỉnh thành…Có những sinh viên Luật phàn nàn “vừa học xong thì lại sửa đổi, thay thế”. Như vậy để nói, học thuộc là quan niệm sai lầm. Vậy cần những yếu tố gì để học tốt ngành Luật nói riêng và các ngành khác nói chung.

Theo tôi có 2 yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định đến sự hiệu quả khi học, nghiên cứu và thậm chí là hành nghề Luật đó là: Đam mê và phương pháp.

Thứ nhất, đam mê ngành Luật.


Phương pháp học Luật tốt

Gs Ngô Bảo Châu cũng từng nói: "Tôi không nghĩ rằng giáo viên có thể truyền cảm hứng cho bạn. Trước hết, bạn phải có sẵn niềm đam mê và giáo viên sẽ giúp bạn tăng thêm”.

Vâng, theo tôi khi bạn có đam mê thì bạn đã đi được 50%  quãng đường đến thành công. Đam mê tức là bạn đã yêu môn mình học, bạn thấy niềm vui ở đó, bạn tích cực đọc, tìm kiếm tài liệu, hỏi khi không rõ rồi tranh luận với mọi người để thỏa mãn sự hiểu biết... Từ quá trình đó, kiến thức của bạn ngày một cao hơn, sâu hơn và rộng hơn. Cũng như các bạn nam thích bóng đá vậy, bạn thức khuya để xem, bạn đọc báo để tìm hiểu các câu lạc bộ, các cầu thủ, lối chơi, chiến thuật… để khi gặp bạn bè bạn tranh luận hăng say về một trận bóng diễn ra đêm qua. Hay các bạn nữ thích làm đẹp, bạn tham gia các diễn đàn làm đẹp, bạn tìm hiểu về kiểu tóc, về thời trang hay về mỹ phẩm…và tự nhiên các bạn có kiến thức về lĩnh vực mà mình chưa bao giờ được học, đó là nhờ sự đam mê tìm tòi, khám phá.

Yếu tố thứ hai là phương pháp học.

1. Hệ thống nội dung toàn bộ môn học.


Phương pháp học Luật tốt

Tức là các bạn thống kê môn học đó gồm những phần nào, bài nào? Nội dung cơ bản của phần, bài đó là gì? Các bạn nên vẽ ra một sơ đồ hình cây. Những nhánh cơ bản chính là tên bài học, nhánh thứ 2 là tên các mục trong bài và cứ tiếp tục triển khai nhánh ra tiếp.

Ví dụ đối với môn Hiến pháp, chúng ta có thể nhớ ngay được môn này gồm 2 học phần:

 + Những vấn đề cơ bản của Hiến pháp và;

 + Bộ máy nhà nước.

 Trong từng học phần, chúng ta lại xem có bao nhiêu phần. Mỗi phầnbao nhiêu bài, mỗi bài có những mục gì để thấy được tổng thể của môn học rồi mới bắt đầu học. Trong mỗi phần chúng ta phân ra các bài chính và bài phụ. Ví dụ nội dung chính của môn Luật hiến pháp là Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Quyền lực Nhà nước. Đối với vấn đề quyền lực nhà nước, chúng ta cần biết vị trí pháp lý của các cơ quan (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án…) trong bộ máy nhà nước, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, cách thức thành lập của các cơ quan…để biết quyền lực nhà nước được xác định như thế nào?

Tuy nhiên, đây là phương pháp để các bạn nắm vững kiến thức cơ bản nhất, còn thực tế khi thi cử, các phần thi có thể là đối tượng điều chỉnh, rồi thì phương pháp điều chỉnh…Những phần mà đa số các bạn thấy nhàm và không có , chúng ta học từ khái quát đến cụ thể.

2. Cần nắm được những khái niệm cơ bản của từng môn học.


Phương pháp học tốt ngành Luật 

Ví như môn Lý luận nhà nước cần phải nắm được những khái niệm cơ bản như qui phạm pháp luật, chế định luật, ngành luật… Hoặc như môn Luật Hiến pháp cần biết Hiến pháp là gì, ngành luật Hiến pháp, khoa học Luật Hiến pháp… hay môn Luật Hình sự  bạn phải hiểu tội phạm là gì? Đồng phạm là gì?...hay Luật Dân sự thì phải biết Hợp đồng là gì? Cầm cố, thế chấp là gì?...

Nói rằng học Luật không học thuộc là muốn nói không học thuộc từng điều luật chứ không tránh khỏi việc phải xào đi xào lại khái niệm, định nghĩa. Cũng như khi bạn học Toán, Lý hay bất kỳ môn nào khác thì các định nghĩa, khái niệm, định luật, định lí… đều phải nắm được.

3. Đọc qua bài trước khi lên lớp, hăng say phát biểu và hỏi thật nhiều.


Phương pháp học Luật tốt

Thời gian lên lớp không nhiều nhưng khi lên lớp các bạn cố gắng ngồi lên phía trước. Tích cực phát biểu kể cả những câu hỏi dễ. Tâm lý các bạn sinh viên thường cho rằng thầy hỏi những câu hỏi dễ thế ai cũng biết mình trả lời làm gi? Nhưng khi bạn phát biểu bạn vừa rèn luyện cho mình sự tự tin, vừa "xào lại" kiến thức môn học. Bên cạnh đó, bạn phải có một danh sách câu hỏi trước khi lên lớp. Cũng như dự kiến câu hỏi trước khi tham gia phiên tòa của Luật sư vậy.

4. Học nhóm.

Phương pháp học Luật tốt

Các bạn hãy lập cho mình một nhóm để trao đổi kiến thức, để tranh luận với nhau những vấn đề trong học tập. Có những kiến thức bạn biết nhưng với người cùng nhóm lại là mới mẻ và ngược lại cho nên, học nhóm giúp các bạn bổ trợ cho nhau về kiến thức rất hiệu quả.

5. Học Luật là học cái “tinh thần” của pháp luật chứ không phải học thuộc bài như kiểu học thơ ca. 

Tức là đc luật và biết nội dung của một điều luật quy định cái gì? hướng giải quyết? tại sao lại như vậy?
Đối với các môn có bài tập như dân sự, hình sự, kinh tế, thương mại… sau khi nắm được lý thuyết, các bạn nên mở phần bản án đã xử rồi để xem. Ví dụ: Khi học đến ly hôn, các bạn hãy mở vài bản án ly hôn ra xem và giải thử xem quan điểm của mình và các thẩm phán như nào, có trùng hợp không. Nếu không giải được, mình phải xem lại xem mình hổng lý thuyết phần nào để ôn lại.

6. Học Luật là học tư duy.


Phương pháp học Luật tốt

Trong mỗi vấn đề được đưa ra bạn phải tư duy đa chiều, tức là phải suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Thử đặt vào đó những giả thiết khác nhau và thử tự tìm cách giải quyết..và phải đứng ở nhiều góc độ khác nhau.

Ví dụ:

A kiện B ra tòa.
Mình hãy thử đặt: Nếu là A mình sẽ làm gì, là B sẽ phản ứng, đối lại như thế nào? là tòa( Thẩm phán, Viện Kiểm Sát.... sẽ phải xem xét và xử tội ra sao cho đúng...

Ví dụ A gây thiệt hại cho B thì A phải bồi thường cho B đó là nguyên tắc cơ bản của cuộc sống. Kế tiếp bạn phải có tư duy logic để phát triển tiếp theo:

1 - A phải bồi thường bao nhiêu 

2 - Có tình huống nào A được miễn trách nhiệm không ?

3 - Để được bồi thường thì B có phải cung cấp bằng chứng gì về thiệt hại không?  

4 - Nếu B bị ảnh hưởng gián tiếp từ hành động của A thì có được bồi thường không?...

Càng đặt được nhiều câu hỏi liên quan thì bạn sẽ càng có một cái nhìn toàn diện về vấn đề đó và các tình huống phái sinh trong đó.


Phương pháp học Luật tốt

Tóm lại từ một vấn đề gốc ban đầu bạn phải phát triển nó ra và tìm kiếm câu trả lời cho nó thì bạn sẽ nhớ và hiểu rõ mọi vấn đề liên quan mà pháp luật qui định trong lĩnh vực đó. 


Ngoài ra, để học tốt các bạn cần cập nhật các thông tin thực tiễn qua phương tiện thông tin (các vụ án, các tranh chấp diễn ra hàng ngày và phương hướng giải quyết).
hoanglaw