Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

2 yếu tố học tốt ngành Luật

Blog hoanglaw chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân và của những người đã trải qua Trường Luật về cách học Luật tốt nhất.

Phương pháp học Luật tốt

Tuy nhiên, những gì chia sẻ sau đây có thể phù hợp với người này nhưng lại phản tác dụng với người kia. Cho nên, tùy vào từng cá nhân sẽ chọn ra cho mình một cách học, cách nghiên cứu tốt nhất.

Đa số các bạn sinh viên học Luật đặc biệt là các bạn vừa bước chân vào Trường đều có quan niệm học Luật là phải học thuộc các điều Luật. Nhưng trớ trêu thay sinh viên ngành Luật có cả người học khối A, khối D. Cho dù bạn là dân khối C thì tôi cũng tin rằng bạn chẳng bao giờ “thích” học thuộc như một cái máy.

Ước tính hàng năm có hàng chục Luật mới được Quốc hội thông qua và sửa đổi, bổ sung; Chính phủ ban hành khoảng vài trăm Nghị định, chưa kể các văn bản do 22 Bộ và Cơ quan ngang bộ ban hành rồi các văn bản của 63 tỉnh thành…Có những sinh viên Luật phàn nàn “vừa học xong thì lại sửa đổi, thay thế”. Như vậy để nói, học thuộc là quan niệm sai lầm. Vậy cần những yếu tố gì để học tốt ngành Luật nói riêng và các ngành khác nói chung.

Theo tôi có 2 yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định đến sự hiệu quả khi học, nghiên cứu và thậm chí là hành nghề Luật đó là: Đam mê và phương pháp.

Thứ nhất, đam mê ngành Luật.


Phương pháp học Luật tốt

Gs Ngô Bảo Châu cũng từng nói: "Tôi không nghĩ rằng giáo viên có thể truyền cảm hứng cho bạn. Trước hết, bạn phải có sẵn niềm đam mê và giáo viên sẽ giúp bạn tăng thêm”.

Vâng, theo tôi khi bạn có đam mê thì bạn đã đi được 50%  quãng đường đến thành công. Đam mê tức là bạn đã yêu môn mình học, bạn thấy niềm vui ở đó, bạn tích cực đọc, tìm kiếm tài liệu, hỏi khi không rõ rồi tranh luận với mọi người để thỏa mãn sự hiểu biết... Từ quá trình đó, kiến thức của bạn ngày một cao hơn, sâu hơn và rộng hơn. Cũng như các bạn nam thích bóng đá vậy, bạn thức khuya để xem, bạn đọc báo để tìm hiểu các câu lạc bộ, các cầu thủ, lối chơi, chiến thuật… để khi gặp bạn bè bạn tranh luận hăng say về một trận bóng diễn ra đêm qua. Hay các bạn nữ thích làm đẹp, bạn tham gia các diễn đàn làm đẹp, bạn tìm hiểu về kiểu tóc, về thời trang hay về mỹ phẩm…và tự nhiên các bạn có kiến thức về lĩnh vực mà mình chưa bao giờ được học, đó là nhờ sự đam mê tìm tòi, khám phá.

Yếu tố thứ hai là phương pháp học.

1. Hệ thống nội dung toàn bộ môn học.


Phương pháp học Luật tốt

Tức là các bạn thống kê môn học đó gồm những phần nào, bài nào? Nội dung cơ bản của phần, bài đó là gì? Các bạn nên vẽ ra một sơ đồ hình cây. Những nhánh cơ bản chính là tên bài học, nhánh thứ 2 là tên các mục trong bài và cứ tiếp tục triển khai nhánh ra tiếp.

Ví dụ đối với môn Hiến pháp, chúng ta có thể nhớ ngay được môn này gồm 2 học phần:

 + Những vấn đề cơ bản của Hiến pháp và;

 + Bộ máy nhà nước.

 Trong từng học phần, chúng ta lại xem có bao nhiêu phần. Mỗi phầnbao nhiêu bài, mỗi bài có những mục gì để thấy được tổng thể của môn học rồi mới bắt đầu học. Trong mỗi phần chúng ta phân ra các bài chính và bài phụ. Ví dụ nội dung chính của môn Luật hiến pháp là Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Quyền lực Nhà nước. Đối với vấn đề quyền lực nhà nước, chúng ta cần biết vị trí pháp lý của các cơ quan (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án…) trong bộ máy nhà nước, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, cách thức thành lập của các cơ quan…để biết quyền lực nhà nước được xác định như thế nào?

Tuy nhiên, đây là phương pháp để các bạn nắm vững kiến thức cơ bản nhất, còn thực tế khi thi cử, các phần thi có thể là đối tượng điều chỉnh, rồi thì phương pháp điều chỉnh…Những phần mà đa số các bạn thấy nhàm và không có , chúng ta học từ khái quát đến cụ thể.

2. Cần nắm được những khái niệm cơ bản của từng môn học.


Phương pháp học tốt ngành Luật 

Ví như môn Lý luận nhà nước cần phải nắm được những khái niệm cơ bản như qui phạm pháp luật, chế định luật, ngành luật… Hoặc như môn Luật Hiến pháp cần biết Hiến pháp là gì, ngành luật Hiến pháp, khoa học Luật Hiến pháp… hay môn Luật Hình sự  bạn phải hiểu tội phạm là gì? Đồng phạm là gì?...hay Luật Dân sự thì phải biết Hợp đồng là gì? Cầm cố, thế chấp là gì?...

Nói rằng học Luật không học thuộc là muốn nói không học thuộc từng điều luật chứ không tránh khỏi việc phải xào đi xào lại khái niệm, định nghĩa. Cũng như khi bạn học Toán, Lý hay bất kỳ môn nào khác thì các định nghĩa, khái niệm, định luật, định lí… đều phải nắm được.

3. Đọc qua bài trước khi lên lớp, hăng say phát biểu và hỏi thật nhiều.


Phương pháp học Luật tốt

Thời gian lên lớp không nhiều nhưng khi lên lớp các bạn cố gắng ngồi lên phía trước. Tích cực phát biểu kể cả những câu hỏi dễ. Tâm lý các bạn sinh viên thường cho rằng thầy hỏi những câu hỏi dễ thế ai cũng biết mình trả lời làm gi? Nhưng khi bạn phát biểu bạn vừa rèn luyện cho mình sự tự tin, vừa "xào lại" kiến thức môn học. Bên cạnh đó, bạn phải có một danh sách câu hỏi trước khi lên lớp. Cũng như dự kiến câu hỏi trước khi tham gia phiên tòa của Luật sư vậy.

4. Học nhóm.

Phương pháp học Luật tốt

Các bạn hãy lập cho mình một nhóm để trao đổi kiến thức, để tranh luận với nhau những vấn đề trong học tập. Có những kiến thức bạn biết nhưng với người cùng nhóm lại là mới mẻ và ngược lại cho nên, học nhóm giúp các bạn bổ trợ cho nhau về kiến thức rất hiệu quả.

5. Học Luật là học cái “tinh thần” của pháp luật chứ không phải học thuộc bài như kiểu học thơ ca. 

Tức là đc luật và biết nội dung của một điều luật quy định cái gì? hướng giải quyết? tại sao lại như vậy?
Đối với các môn có bài tập như dân sự, hình sự, kinh tế, thương mại… sau khi nắm được lý thuyết, các bạn nên mở phần bản án đã xử rồi để xem. Ví dụ: Khi học đến ly hôn, các bạn hãy mở vài bản án ly hôn ra xem và giải thử xem quan điểm của mình và các thẩm phán như nào, có trùng hợp không. Nếu không giải được, mình phải xem lại xem mình hổng lý thuyết phần nào để ôn lại.

6. Học Luật là học tư duy.


Phương pháp học Luật tốt

Trong mỗi vấn đề được đưa ra bạn phải tư duy đa chiều, tức là phải suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Thử đặt vào đó những giả thiết khác nhau và thử tự tìm cách giải quyết..và phải đứng ở nhiều góc độ khác nhau.

Ví dụ:

A kiện B ra tòa.
Mình hãy thử đặt: Nếu là A mình sẽ làm gì, là B sẽ phản ứng, đối lại như thế nào? là tòa( Thẩm phán, Viện Kiểm Sát.... sẽ phải xem xét và xử tội ra sao cho đúng...

Ví dụ A gây thiệt hại cho B thì A phải bồi thường cho B đó là nguyên tắc cơ bản của cuộc sống. Kế tiếp bạn phải có tư duy logic để phát triển tiếp theo:

1 - A phải bồi thường bao nhiêu 

2 - Có tình huống nào A được miễn trách nhiệm không ?

3 - Để được bồi thường thì B có phải cung cấp bằng chứng gì về thiệt hại không?  

4 - Nếu B bị ảnh hưởng gián tiếp từ hành động của A thì có được bồi thường không?...

Càng đặt được nhiều câu hỏi liên quan thì bạn sẽ càng có một cái nhìn toàn diện về vấn đề đó và các tình huống phái sinh trong đó.


Phương pháp học Luật tốt

Tóm lại từ một vấn đề gốc ban đầu bạn phải phát triển nó ra và tìm kiếm câu trả lời cho nó thì bạn sẽ nhớ và hiểu rõ mọi vấn đề liên quan mà pháp luật qui định trong lĩnh vực đó. 


Ngoài ra, để học tốt các bạn cần cập nhật các thông tin thực tiễn qua phương tiện thông tin (các vụ án, các tranh chấp diễn ra hàng ngày và phương hướng giải quyết).
hoanglaw

0 nhận xét:

Đăng nhận xét