Chia sẻ tài liệu, kiến thức Luật học

Hạnh phúc là cho đi những gì mình có.

Kiến thức, kinh nghiệp học Luật

Vì sự phát triển nền Tư pháp nước nhà .

Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Điều kiện trở thành Kiểm sát viên

Blog hoanglaw giới thiệu các tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân nước CHXHCNVN.

Điều kiện trở thành Kiểm sát viên

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Viện kiểm sát nhân dân tùy cấp có các chức danh: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, các Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên (VKSNDTC); công chức khác, viên chức và người lao động khác.

Điều 74 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định:

“Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Tiêu chuẩn trở thành Kiểm sát viên bao gồm (Điều 75 – LTCVKSND)

1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.

3. Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.

4. Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này.

5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kiểm sát viên có các ngạch như: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Điều kiện trở thành Kiểm sát viên

Thứ nhất, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp.

Là người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 (LTCVKSND) và có đủ các điều kiện sau:

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;

- Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên sơ cấp.

Nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.

Thứ hai, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp.

Là người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 (LTCVKSND) và có đủ các điều kiện sau (nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự):

- Đã là Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm (hoặc có từ 10 năm làm công tác pháp luật trở lên trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của VKSND);

- Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

- Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với Kiểm sát viên sơ cấp;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên trung cấp.

Kiểm sát viên đọc bản Cáo trạng trước Tòa

Thứ ba, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp.

Là người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 (LTCVKSND) và có đủ các điều kiện sau (nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự):

- Đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm (hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của VKSND;

- Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

- Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với Kiểm sát viên cấp dưới;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp.

Thứ tư, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Là người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 (LTCVKSND) và có đủ các điều kiện sau đây:

- Đã là Kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm (hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ 20 năm trở lên trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của VKSND);

- Có năng lực chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong trường hợp đặc biệt, người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để làm lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp, tuy chưa đủ thời gian làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật, nhưng có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 và điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 77, điểm b và điểm c khoản 1 của các Điều 78, 79 và 80 của (LTCVKSND) thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều kiện trở thành Kiểm sát viên

Như vậy, về mặt thời gian, trừ trường hợp đặc biệt, trường hợp do nhu cầu cán bộ thì để trở thành Kiểm sát viên ít nhất phải có một khoảng thời gian như sau:

- Cử nhân Luật (ít nhất 4 năm).

- Vượt qua kỳ thi Công chức để vào ngành Kiểm sát.            

- Tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (thời gian 09 tháng)

- Công tác pháp luật (ít nhất 4 năm), vượt qua kỳ thi để được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp.

- Làm Kiểm sát viên sơ cấp (ít nhất 5 năm) và vượt qua kỳ thi tuyển để được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp.

- Làm Kiểm sát viên trung cấp (ít nhất 5 năm) và vượt qua kỳ thi tuyển để được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp.

- Làm Kiểm sát viên cao cấp (ít nhất 5 năm) thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên VKSNDTC.

hoanglaw

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Tiêu chuẩn, điều kiện làm Thẩm phán?

Blog hoanglaw giới thiệu các tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân.

Điều kiện trở thành Thẩm phán

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Tùy cấp, Tòa án nhân dân có các chức danh như: Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa  (TAND Cấp cao, tỉnh, huyện), các Phó Chánh tòa (TAND Cấp cao, tỉnh, huyện), Thẩm phán (TAND tối cao, cấp cao, tỉnh, huyện), Thẩm tra viên, Thẩm tra viên về thi hành án (TAND huyện), Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.
Điều 67, Luật tổ chức TAND 2014 quy định tiêu chuẩn trở thành thẩm phán bao gồm:

1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.

3. Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

4. Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.

5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thẩm phán có các ngạch như: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Chức danh Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử.


Điều kiện trở thành Thẩm phán

Thứ nhất, Điều kiện để có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp:

Là người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 (LTCTAND) ở trên và có đủ các điều kiện như sau:

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên;

- Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của luật tố tụng;

- Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp.

Người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự.

Thứ hai, Điều kiện để có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp:

Là người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 (LTCTAND) và có đủ các điều kiện như sau:

- Đã là Thẩm phán sơ cấp từ đủ 05 năm trở lên hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 13 năm trở lên trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của TAND;

- Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của luật tố tụng;

- Đã trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp.

Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện trên nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án quân sự.


Điều kiện trở thành Thẩm phán

Thứ ba, Điều kiện để có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp:

Là người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 (LTCTAND) và có đủ các điều kiện sau đây:

- Đã là Thẩm phán trung cấp từ đủ 05 năm trở lên hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của TAND.

- Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao, của Tòa án quân sự trung ương theo quy định của luật tố tụng;

- Đã trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán cao cấp.

Người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp thuộc Tòa án quân sự.

Trong trường hợp đặc biệt, người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, tuy chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật nhưng có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của (LTCTAND) và điều kiện “Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự trung ương theo quy định của luật tố tụng” thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp các Tòa án quân sự.

Điều kiện trở thành Thẩm phán

Thứ tư, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Là người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 (LTCTAND) và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

- Đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 05 năm trở lên;

- Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng.

Người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Như vậy, về mặt thời gian, trừ trường hợp đặc biệt thì để trở thành Thẩm phán cần có khoảng thời gian sau:

Điều kiện trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân

- Cử nhân Luật (ít nhất 4 năm)

- Công tác pháp luật (ít nhất 5 năm) sau đó tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử (12 tháng) để được bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp

- Ít nhất 10 năm (5 năm để được bổ nhiệm làm Tp sơ cấp, 5 năm là Tp sơ cấp) hoặc ít nhất 13 năm công tác pháp luật trong trường hợp do nhu cầu cán bộ Tòa án nhân dân để được bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp.

- Ít nhất 15 năm (5 năm để được bổ nhiệm làm Tp sơ cấp, 5 năm là Tp sơ cấp, 5 năm là Tp trung cấp) hoặc ít nhất 18 năm công tác pháp luật rong trường hợp do nhu cầu cán bộ Tòa án nhân dân để được bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp.

- Ít nhất 20 năm (…5 năm là Thẩm phán trung cấp) để được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
 Hoanglaw

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

"Án phạt" Quế Ngọc Hải đúng hay sai?

Trong trận đấu ngày 13/9 vừa qua, Quế Ngọc Hải, tuyển thủ đội Sông Lam Nghệ An có pha bóng “ tranh chấp” với cầu thủ Trần Anh Khoa khiến Khoa bị vỡ sụn chêm đầu gối trái, trong khi các dây chằng chéo đều bị đứt hoặc rách và một dây gân nơi đầu gối cũng bị tổn thương nghiêm trọng.


Pha vào bóng Quế Ngọc Hải vs Trần Anh Khoa
Liên đoàn bóng đã Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật Quế Ngọc Hải “cấm thi đấu tại tất cả các giải đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong thời gian sáu tháng; phạt 15.000.000đ và chịu toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa”

Sau khi VFF đưa ra hình thức kỷ luật, có quan điểm cho rằng “VFF buộc Ngọc Hải phải trả viện phí điều trị chấn thương của Anh Khoa là sai luật. Số tiền phải trả là bao nhiêu? VFF không có quyền và trách nhiệm trong sự việc không dính líu đến bóng đá”.

Trước hết, phải khẳng định rằng hoanglaw cũng là một fan bóng đá của nước nhà, cũng hào hứng và phấn khích trong không khí cuồng nhiệt của Hội cổ động viên số 1 Việt Nam, cũng yêu mến Trung vệ thép Ngọc Hải trong màu áo SLNA cũng như đội tuyển Quốc gia cho nên bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân muốn nhìn thẳng vào sự thật chứ không có ý làm xấu hình ảnh của bất kỳ ai.

Việc Hải tranh chấp với Khoa tôi không bình luận là ác ý hay chỉ là ham bóng. Điều tôi muốn nói ở đây là việc VFF đưa ra hình thức kỷ luật “chịu toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa” có phù hợp với quy định không? Nếu không thực hiện theo quyết định kỷ luật thì sao? Và Ngọc Hải có quyền gì đối với quyết định trên? Để fan SLNA nói riêng và người hâm mộ bóng đá nói chung phân định rõ ràng không để tình yêu bóng đá, tình yêu quê hương lấn át “luật chơi”.
Hội cổ động viên số 1 Việt Nam

Thứ nhất, VFF quyết định hình thức kỷ luật “chịu toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa” là phù hợp với “Quy định về kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam” (sửa đổi, bổ sung 2015).

“Điều 39. Hành vi xâm phạm thân thể
...3. Phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 (nếu áp dụng biện pháp kỷ luật là đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ) và khoản 2 Điều này. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra.”

Như vậy, khi anh là thành viên của Liên đoàn thì anh đã được cấp (phổ biến), cam kết và phải tuân thủ những quy định kỷ luật này, nếu anh vi phạm đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Thứ hai, “chi phí điều trị” là bao nhiêu?

Mặc dù VFF không quy định cụ thể chi phí điều trị bao gồm những khoản nào tuy nhiên, có thể hiểu chi phí điều trị bao gồm: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế, tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).”


 Ngọc Hải thăm hỏi Anh Khoa

Thứ ba, nếu không thi hành quyết định kỷ luật thì như thế nào?

“Điều 72. Không chấp hành nghĩa vụ trả tiền
1. Tổ chức, tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả tiền cho người khác (người khác bao gồm: cầu thủ, huấn luyện viên, CLB, đội bóng, đại diện cầu thủ do FIFA, LĐBĐQG cấp phép, Đơn vị tổ chức giải, LĐBĐVN) mặc dù đã được một cơ quan của LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải yêu cầu phải trả đầy đủ thì:  

a) Bị phạt tiền tối thiểu 5.000.000 đồng.

b) Sẽ được cơ quan xử lý của LĐBĐVN dành một khoảng thời gian cuối cùng để thanh toán khoản nợ...

3. Nếu cá nhân vi phạm có thể bị cấm tham gia hoạt động bóng đá vĩnh viễn.

4. Chủ thể bị phạt không được quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do vi phạm nghĩa vụ trả tiền.”

Thứ tư, Ngọc Hải có quyền gì?

Ngọc Hải có quyền khiếu nại Quyết định kỷ luật đối với mình lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Có thể dựa trên những cống hiến, những thành tích của Hải cho đội tuyển SLNA, đội tuyển Quốc gia để xin giảm nhẹ các hình thức kỷ luật.

Quế Ngọc Hải tâm sự "Hồi đá cho đội U17, tôi từng bị gãy chân, thế nên tôi hiểu cảm giác của Anh Khoa lúc này, hơn ai hết tôi không bao giờ có suy nghĩ cố tình chơi xấu đối thủ." Đúng vậy, khi chơi bóng có thể vì ham mê, vì sức trẻ, vì muốn cống hiến, khẳng định nên đôi lúc không may gây chấn thương cho đồng nghiệp. Cổ nhân có câu "ta sai ta nhận ta sai tức là ta đúng". 

Vì nền bóng đá đẹp, phát triển chúng ta nên có cách nhìn đúng với những sự việc diễn ra trong và ngoài sân cỏ. Chúc Ngọc Hải tiếp tục phát huy khả năng chuyên môn để cống hiến cho nền bóng đá nước nhà, chúc Anh Khoa nhanh hồi phục và chúc “sự nghiệp football” của Việt Nam sánh vai năm châu.

Hoanglaw


Liệu có lần chiếu cố thứ 2… vào Trường khối Công an?

Trong thời gian gần đây, dư luận dậy sóng về trường hợp thí sinh Bùi Kiều Nhi (Quảng Bình) đạt 29 điểm (cả điểm ưu tiên) nhưng do cha đẻ (đã mất) từng có tiền án về tội “Chống người thi hành công vụ” (9 tháng tù cho hưởng án treo) nên không đủ điều kiện vào Học viện chính trị Công an nhân dân. Nhưng ngày 18/9 vừa qua, Tổng cục chính trị - Bộ Công an đã “chiếu cố” tiêu chuẩn chính trị quyết định tuyển Nhi vào Học viện.

Bùi Kiều Nhi trúng tuyển Học viện chính trị CAND
Nhiều người viện dẫn các quy định về xóa án tích của Bộ luật Hình sự 1985 (sửa đổi, bổ sung 1989,1991): 
Điều 52 Xoá án ".. Người được xoá án coi như chưa can án.."; 
Điều 53 Đương nhiên được xoá án."Những người sau đây đương nhiên được xoá án:
...2. Người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách.."

Bên cạnh đó, một số Trường cũng có lòng "hảo tâm" khi tuyên bố sẵn sàng nhận Nhi vào học và tặng học bổng toàn phần trong suốt thời gian theo học. Nhiều quan điểm cho rằng BCA không tuyển Nhi là do “lệ ngầm” của ngành, bây giờ lại quyết định cho Nhi nhập học là do sức ép của dư luận. Chúng ta phải hiểu rằng mỗi Bộ, Ngành đều có quy định riêng lưu hành nội bộ cụ thể ở đây là Thông tư số 53 ngày 15/8/2012/TT-BCA quy định tiêu chuẩn về chính trị đối với cán bộ chiến sỹ CAND. BCA cũng đã khẳng định việc Công an tỉnh Quảng Bình không giải quyết cho thí sinh Bùi Kiều Nhi nhập học Học viện Chính trị CAND là đúng quy định của Bộ. Chỉ khi xem xét điều kiện, hoàn cảnh cùng các yếu tố khác Bộ mới quyết định tuyển Nhi vào Học viện.

Liệu có lần “chiếu cố” tiêu chuẩn chính trị thứ 2, 3…?

Theo thông tin báo điện tử Songlamplus, tại huyện Nam Đàn, Nghệ An có trường hợp khá giống Bùi Kiều Nhi đó là thí sinh Nguyễn Đức Ngà (18 tuổi) trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân nhưng có nguy cơ không được nhập học vì bố từng bị tù treo.
Em Nguyễn Đức Ngà chờ quyết định BCA

Trong kỳ thi vừa qua, thí sinh này đạt 29 điểm (Toán: 9, Vật Lý: 9,5 điểm, Hóa học: 9,5 điểm và một điểm ưu tiên). Với số điểm này, Ngà trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân, ngành Nghiệp vụ cảnh sát như em từng mơ ước. Trường đã gửi giấy báo nhập học đến thí sinh này (ngày 22/9 nhập học).
Học viện cảnh sát nhân dân báo nhập học
Ngày 14/9, Ngà cùng bố là  ông Nguyễn Đình Hóa (53 tuổi) lên Công an huyện Nam Đàn làm các giấy tờ thủ tục chuẩn bị cho việc nhập học. Qua kiểm tra, đơn vị này xác định ông Hóa từng bị Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn kết án 9 tháng tù treo về tội “Cố ý gây thương tích” vào năm 1993. 

Nếu cũng đối chiếu theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) thì:
- Điều 63, BLHS “…Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận.”
- Điều 64 quy định về các trường hợp đương nhiên được xoá án tích: 
“…2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;…”

Nhưng như đã phân tích ở trên, em Hóa cũng không đủ tiêu chuẩn chính trị để vào học ngành Công an như trường hợp của Bùi Kiều Nhi theo Thông tư số 53 ngày 15/8/2012 quy định tiêu chuẩn về chính trị đối với cán bộ chiến sỹ CAND. 

Bây giờ chỉ chờ có một phép màu đối với Ngà và gia đình đó là BCA cũng xem xét điều kiện, hoàn cảnh “chiếu cố” tiêu chuẩn chính trị để chắp cánh ước mơ cho em, để em được học và trở thành một chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong tương lai.

Điều kiện để trở thành Luật sư

Luật sư hay thường được dân gian gọi là "thầy cãi" là một nghề cao quý. Nghề Luật sư ngày càng thể hiện được vị thế, vai trò to lớn trong xã hội. 

Vậy, muốn trở thành "thầy cãi" phải đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn nào? Sau đây blog hoanglaw sẽ tổng hợp, phân tích các tiêu chuẩn, điều kiện cần và đủ để trở thành Luật sư.
Điều kiện trở thanh Luật sư

Căn cứ Luật Luật sư 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì những tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành Luật sư bao gồm:

1. Là công dân Việt Nam, trung thành với tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Có bằng cử nhân Luật:

Tức là cá nhân phải tốt nghiệp trường Luật, khoa Luật của trường Đại học (4 năm)

3.Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ Luật sư.

Hiện tại, Học viện tư pháp là cơ sở đào tạo nghiệp vụ Luật sư. Thời gian học là 12 tháng. Để tham gia khóa đào tạo nghiêp vụ Luật sư chỉ cần đăng ký khóa học ở Học viện tư pháp chứ không cần phải thi đầu vào. 

                                               Điều kiện trở thành Luật sư

4. Tập sự tại Tổ chức hành nghề Luật sư.

Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghiệp vụ Luật sư, bước tiếp theo là đăng ký tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư. Thời gian tập sự là 12 tháng.

5. Tham gia kỳ thi kết thúc tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn luật sư tổ chức:

Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, người tập sự hành nghề Luật sư tham gia kỳ kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư (ít nhất 6 tháng tổ chức một lần)

  • Điều 22, thông tư 19/2013/TT-BTP của BTP hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư quy định:


1. Nội dung kiểm tra bao gồm:

a) Kỹ năng tham gia tố tụng;

b) Kỹ năng tư vấn pháp luật;

c) Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác;

d) Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

2. Hình thức kiểm tra bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành.

a) Kiểm tra viết bao gồm hai bài kiểm tra:
Bài kiểm tra viết thứ nhất về các kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Thời gian của bài kiểm tra viết thứ nhất là 180 phút.
Bài kiểm tra viết thứ hai về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Thời gian của bài kiểm tra viết thứ hai là 90 phút;

b) Kiểm tra thực hành bao gồm hai phần:
Phần một: thí sinh trình bày và bảo vệ quan điểm về một vụ, việc tự chọn.
Phần hai: thí sinh giải quyết tình huống do thành viên Ban Chấm thi thực hành đưa ra.



                                               Điều kiện trở thành Luật sư
  • Thực tế, để dễ hiểu hơn có thể nói hiện tại thi 3 môn:
- Môn kiểm tra viết có 1 câu Hình sự bắt buộc, 1 câu lựa chọn Dân sự hoặc Kinh doanh thương mại;

- Môn Pháp luật về Luật sư, hành nghề luật sư và Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư thi trắc nghiệm;

- Môn kiểm tra thực hành (còn gọi là vấn đáp dựa trên hồ sơ vụ việc do thí sinh chuẩn bị). Phần một, thí sinh trình bày và bảo vệ quan điểm về một vụ, việc tự chọn. Phần hai, thí sinh giải quyết tình huống do thành viên Ban Chấm thi thực hành đưa ra.

Tất cả các môn đạt điểm 5 là qua. Nếu không vượt qua kỳ thi thì lần sau làm hồ sơ đăng ký thi lại.

6. Cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, gia nhập đoàn Luật sư, cấp thẻ hành nghề Luật sư:

Nếu đạt kết quả trong kỳ kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư thì cá nhân làm hồ sơ theo quy định để xin cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ tư pháp cấp, cấp Thẻ hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.
                                               Điều kiện trở thành Luật sư

7. Hành nghề Luật sư:

Sau khi được cấp chứng chỉ, gia nhập đoàn, cấp thẻ hành nghề Luật sư thì Luật sư được lựa chọn tổ chức hành nghề Luật sư để hành nghề, hoặc hành nghề với tư cách cá nhân và phải đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Luật sư đó là thành viên.

8. Quy định về việc miễn, giảm thời gian tập sự, miễn kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư.

a. Miễn, giảm thời gian tập sư hành nghề Luật sư:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luậtđược giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

- Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.”

b. Miễn kiểm tra tập sư hành nghề Luật sư:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn kiểm tra.

 Trên đây là quá trình để trở thành một Luật sư theo quy định của pháp luật hiện hành.
hoanglaw