Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Điều kiện để trở thành Luật sư

Luật sư hay thường được dân gian gọi là "thầy cãi" là một nghề cao quý. Nghề Luật sư ngày càng thể hiện được vị thế, vai trò to lớn trong xã hội. 

Vậy, muốn trở thành "thầy cãi" phải đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn nào? Sau đây blog hoanglaw sẽ tổng hợp, phân tích các tiêu chuẩn, điều kiện cần và đủ để trở thành Luật sư.
Điều kiện trở thanh Luật sư

Căn cứ Luật Luật sư 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì những tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành Luật sư bao gồm:

1. Là công dân Việt Nam, trung thành với tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Có bằng cử nhân Luật:

Tức là cá nhân phải tốt nghiệp trường Luật, khoa Luật của trường Đại học (4 năm)

3.Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ Luật sư.

Hiện tại, Học viện tư pháp là cơ sở đào tạo nghiệp vụ Luật sư. Thời gian học là 12 tháng. Để tham gia khóa đào tạo nghiêp vụ Luật sư chỉ cần đăng ký khóa học ở Học viện tư pháp chứ không cần phải thi đầu vào. 

                                               Điều kiện trở thành Luật sư

4. Tập sự tại Tổ chức hành nghề Luật sư.

Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghiệp vụ Luật sư, bước tiếp theo là đăng ký tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư. Thời gian tập sự là 12 tháng.

5. Tham gia kỳ thi kết thúc tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn luật sư tổ chức:

Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, người tập sự hành nghề Luật sư tham gia kỳ kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư (ít nhất 6 tháng tổ chức một lần)

  • Điều 22, thông tư 19/2013/TT-BTP của BTP hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư quy định:


1. Nội dung kiểm tra bao gồm:

a) Kỹ năng tham gia tố tụng;

b) Kỹ năng tư vấn pháp luật;

c) Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác;

d) Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

2. Hình thức kiểm tra bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành.

a) Kiểm tra viết bao gồm hai bài kiểm tra:
Bài kiểm tra viết thứ nhất về các kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Thời gian của bài kiểm tra viết thứ nhất là 180 phút.
Bài kiểm tra viết thứ hai về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Thời gian của bài kiểm tra viết thứ hai là 90 phút;

b) Kiểm tra thực hành bao gồm hai phần:
Phần một: thí sinh trình bày và bảo vệ quan điểm về một vụ, việc tự chọn.
Phần hai: thí sinh giải quyết tình huống do thành viên Ban Chấm thi thực hành đưa ra.



                                               Điều kiện trở thành Luật sư
  • Thực tế, để dễ hiểu hơn có thể nói hiện tại thi 3 môn:
- Môn kiểm tra viết có 1 câu Hình sự bắt buộc, 1 câu lựa chọn Dân sự hoặc Kinh doanh thương mại;

- Môn Pháp luật về Luật sư, hành nghề luật sư và Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư thi trắc nghiệm;

- Môn kiểm tra thực hành (còn gọi là vấn đáp dựa trên hồ sơ vụ việc do thí sinh chuẩn bị). Phần một, thí sinh trình bày và bảo vệ quan điểm về một vụ, việc tự chọn. Phần hai, thí sinh giải quyết tình huống do thành viên Ban Chấm thi thực hành đưa ra.

Tất cả các môn đạt điểm 5 là qua. Nếu không vượt qua kỳ thi thì lần sau làm hồ sơ đăng ký thi lại.

6. Cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, gia nhập đoàn Luật sư, cấp thẻ hành nghề Luật sư:

Nếu đạt kết quả trong kỳ kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư thì cá nhân làm hồ sơ theo quy định để xin cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ tư pháp cấp, cấp Thẻ hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.
                                               Điều kiện trở thành Luật sư

7. Hành nghề Luật sư:

Sau khi được cấp chứng chỉ, gia nhập đoàn, cấp thẻ hành nghề Luật sư thì Luật sư được lựa chọn tổ chức hành nghề Luật sư để hành nghề, hoặc hành nghề với tư cách cá nhân và phải đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Luật sư đó là thành viên.

8. Quy định về việc miễn, giảm thời gian tập sự, miễn kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư.

a. Miễn, giảm thời gian tập sư hành nghề Luật sư:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luậtđược giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

- Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.”

b. Miễn kiểm tra tập sư hành nghề Luật sư:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn kiểm tra.

 Trên đây là quá trình để trở thành một Luật sư theo quy định của pháp luật hiện hành.
hoanglaw




0 nhận xét:

Đăng nhận xét