Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

"Án phạt" Quế Ngọc Hải đúng hay sai?

Trong trận đấu ngày 13/9 vừa qua, Quế Ngọc Hải, tuyển thủ đội Sông Lam Nghệ An có pha bóng “ tranh chấp” với cầu thủ Trần Anh Khoa khiến Khoa bị vỡ sụn chêm đầu gối trái, trong khi các dây chằng chéo đều bị đứt hoặc rách và một dây gân nơi đầu gối cũng bị tổn thương nghiêm trọng.


Pha vào bóng Quế Ngọc Hải vs Trần Anh Khoa
Liên đoàn bóng đã Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật Quế Ngọc Hải “cấm thi đấu tại tất cả các giải đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong thời gian sáu tháng; phạt 15.000.000đ và chịu toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa”

Sau khi VFF đưa ra hình thức kỷ luật, có quan điểm cho rằng “VFF buộc Ngọc Hải phải trả viện phí điều trị chấn thương của Anh Khoa là sai luật. Số tiền phải trả là bao nhiêu? VFF không có quyền và trách nhiệm trong sự việc không dính líu đến bóng đá”.

Trước hết, phải khẳng định rằng hoanglaw cũng là một fan bóng đá của nước nhà, cũng hào hứng và phấn khích trong không khí cuồng nhiệt của Hội cổ động viên số 1 Việt Nam, cũng yêu mến Trung vệ thép Ngọc Hải trong màu áo SLNA cũng như đội tuyển Quốc gia cho nên bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân muốn nhìn thẳng vào sự thật chứ không có ý làm xấu hình ảnh của bất kỳ ai.

Việc Hải tranh chấp với Khoa tôi không bình luận là ác ý hay chỉ là ham bóng. Điều tôi muốn nói ở đây là việc VFF đưa ra hình thức kỷ luật “chịu toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa” có phù hợp với quy định không? Nếu không thực hiện theo quyết định kỷ luật thì sao? Và Ngọc Hải có quyền gì đối với quyết định trên? Để fan SLNA nói riêng và người hâm mộ bóng đá nói chung phân định rõ ràng không để tình yêu bóng đá, tình yêu quê hương lấn át “luật chơi”.
Hội cổ động viên số 1 Việt Nam

Thứ nhất, VFF quyết định hình thức kỷ luật “chịu toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa” là phù hợp với “Quy định về kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam” (sửa đổi, bổ sung 2015).

“Điều 39. Hành vi xâm phạm thân thể
...3. Phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 (nếu áp dụng biện pháp kỷ luật là đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ) và khoản 2 Điều này. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra.”

Như vậy, khi anh là thành viên của Liên đoàn thì anh đã được cấp (phổ biến), cam kết và phải tuân thủ những quy định kỷ luật này, nếu anh vi phạm đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Thứ hai, “chi phí điều trị” là bao nhiêu?

Mặc dù VFF không quy định cụ thể chi phí điều trị bao gồm những khoản nào tuy nhiên, có thể hiểu chi phí điều trị bao gồm: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế, tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).”


 Ngọc Hải thăm hỏi Anh Khoa

Thứ ba, nếu không thi hành quyết định kỷ luật thì như thế nào?

“Điều 72. Không chấp hành nghĩa vụ trả tiền
1. Tổ chức, tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả tiền cho người khác (người khác bao gồm: cầu thủ, huấn luyện viên, CLB, đội bóng, đại diện cầu thủ do FIFA, LĐBĐQG cấp phép, Đơn vị tổ chức giải, LĐBĐVN) mặc dù đã được một cơ quan của LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải yêu cầu phải trả đầy đủ thì:  

a) Bị phạt tiền tối thiểu 5.000.000 đồng.

b) Sẽ được cơ quan xử lý của LĐBĐVN dành một khoảng thời gian cuối cùng để thanh toán khoản nợ...

3. Nếu cá nhân vi phạm có thể bị cấm tham gia hoạt động bóng đá vĩnh viễn.

4. Chủ thể bị phạt không được quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do vi phạm nghĩa vụ trả tiền.”

Thứ tư, Ngọc Hải có quyền gì?

Ngọc Hải có quyền khiếu nại Quyết định kỷ luật đối với mình lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Có thể dựa trên những cống hiến, những thành tích của Hải cho đội tuyển SLNA, đội tuyển Quốc gia để xin giảm nhẹ các hình thức kỷ luật.

Quế Ngọc Hải tâm sự "Hồi đá cho đội U17, tôi từng bị gãy chân, thế nên tôi hiểu cảm giác của Anh Khoa lúc này, hơn ai hết tôi không bao giờ có suy nghĩ cố tình chơi xấu đối thủ." Đúng vậy, khi chơi bóng có thể vì ham mê, vì sức trẻ, vì muốn cống hiến, khẳng định nên đôi lúc không may gây chấn thương cho đồng nghiệp. Cổ nhân có câu "ta sai ta nhận ta sai tức là ta đúng". 

Vì nền bóng đá đẹp, phát triển chúng ta nên có cách nhìn đúng với những sự việc diễn ra trong và ngoài sân cỏ. Chúc Ngọc Hải tiếp tục phát huy khả năng chuyên môn để cống hiến cho nền bóng đá nước nhà, chúc Anh Khoa nhanh hồi phục và chúc “sự nghiệp football” của Việt Nam sánh vai năm châu.

Hoanglaw


0 nhận xét:

Đăng nhận xét