Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Quyền im lặng khi được công nhận trong Tố tụng hình sự

Quan điểm của Blog hoanglaw về lợi ích của Quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình khi được quy định trong Tố tụng hình sự.

Quyền im lặng khi được công nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự không những chống được oan sai cho bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ mà còn có thể giải oan cho Cơ quan điều tra và đội ngũ Luật sư.
Quyền im lặng Bộ luật Tố tụng hình sự

Vậy Quyền im lặng là gì? Tại sao quy định Quyền im lặng lại giải oan cho Cơ quan điều tra và Luật sư?

Quyền im lặng không có nghĩa là không nói gì khi cơ quan điều tra hỏi cung, lấy lời khai mà phải hiểu là không đưa ra lời khai chống lại mình, thực hiện quyền được bào chữa như Hiến pháp 2013 quy định.

Nguyên tắc của tố tụng là trọng chứng hơn trọng cung nhưng thực tế ở nước ta lại ngược lại. Từ lời cung mới đi tìm chứng rồi buộc tội. Vì vậy, việc sớm quy định Quyền im lặng vào Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung) là đòi hỏi thực tiễn khách quan giúp nâng cao nghiệp vụ của Điều tra viên cũng như làm giảm tỉ lệ án oan sai.

Hiện nay, Cơ quan điều tra và Luật sư đang bị “oan” vì khi chứng cứ chưa rõ, ra tòa bị cáo nói do Cơ quan điều tra ép cung, bức cung, nhục hình ... có khi lại bảo Luật sư tư vấn phản cung. Vì vậy, việc đưa Quyền im lặng vào Bộ luật tố tụng hình sự không những tránh oan sai cho bị can, bị cáo mà kể cả Điều tra viên cũng như Luật sư sẽ không bị mang “tiếng oan”.

Quy định Quyền im lặng vào Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung) là một vấn đề, vấn đề quan trọng không kém là làm sao để người dân hiểu lúc nào mình có quyền im lặng, lúc nào họ phải nói. Nếu không giải thích rõ quy định về Quyền im lặng, khi bị bắt nghi can không chịu nói thì cũng bất cập.

Song song với việc công nhận Quyền im lặng vào Luật thì không được coi việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai báo là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền có Luật sư để hỗ trợ pháp lý nói chung và hỗ trợ khi khai báo nói riêng. Khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có Luật sư thì việc lấy lời khai phải có mặt Luật sư. Trong trường hợp lời khai nhận tội của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vi phạm các quy định trên không có giá trị pháp lý.

                                               Quyền im lặng Bộ luật Tố tụng hình sự

Quy định việc ghi âm, ghi hình trong Tố tụng hình sự?

Liên quan đến quy định việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thì chúng tôi cho rằng: Nếu ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai là việc ghi nhận chứng cứ do chính Điều tra viên thực hiện thì việc giám sát gần như không có ý nghĩa. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc ghi âm, ghi hình, ngoài việc phải đọc cho bị can nghe lại biên bản hỏi cung thì Điều tra viên còn phải mở lại băng ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung cho bị can nghe, xem lại, công nhận đúng và ký vào biên bản xác nhận.

Việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, lấy lời khai chỉ nên tiến hành đối với những trường hợp bị can kêu oan, không nhận tội hoặc các bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì chi phí cho việc lắp đặt thiết bị kỹ thuật cũng như lưu trữ dữ liệu là rất lớn, đồng thời hàng năm có hàng trăm nghìn người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, việc hỏi cung, lấy lời khai cũng phải tiến hành hơn hai lần đối với một người.

Vì sự phát triển của nền Tư pháp nước nhà trong đó có việc giảm tỉ lệ án oan sai, tránh “tiếng oan” cho Cơ quan điều tra cũng như đội ngũ Luật sư thì việc quy định Quyền im lặng cũng như việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai vào Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung) là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Hoanglaw

0 nhận xét:

Đăng nhận xét